GS Thạch Nguyễn: Về… để truyền cảm hứng khoa học

Đầu tháng 12/2018, GS Thạch Nguyễn, một trong những chuyên gia tim mạch của nước Mỹ và thế giới, hẹn gặp tôi tại Sài Gòn. Mười năm không gặp, sợ tôi quên, ông gửi email kèm tấm ảnh chân dung hiện tại để tôi nhận diện. Ông vẫn vậy, chu đáo, cẩn thận…

GS Thạch Nguyễn (giữa) cùng sinh viên trường Y của ĐH Tân Tạo trong chuyến thực tập tại Mỹ tháng 6/2018. Ảnh: Trí Nhân.

Khai sáng

Sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Y khoa Huế, sau năm 1975 GS Thạch Nguyễn (tên Việt đầy đủ là Nguyễn Ngọc Thạch) đến Mỹ học tiếp nội tim mạch rồi bị ngành tim mạch can thiệp “mê hoặc”. Chưa phát triển như bây giờ, nhưng lúc đó, ngành tim mạch can thiệp thật kỳ diệu, chỉ cần luồn một ống thông vào mạch máu, đưa đến buồng tim rồi nong mạch vành lên, có thể chữa khỏi nhồi máu cơ tim mà không cần phẫu thuật.

Làm việc tại một bệnh viện ở Indiana (Hoa Kỳ) từ năm 1987, nhiều nghiên cứu của ông và cộng sự đã đặt nền tảng cho tim mạch can thiệp thế giới cũng như bệnh mạch vành, giảm nguy cơ tử vong khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Từ năm 1992 trở về sau, GS Thạch thường được ACC (American College of Cardiology – trường tim mạch Hoa Kỳ) cử sang Trung Quốc dạy bác sĩ nước này thực hành can thiệp tim mạch.

Mùa thu năm 1997, nhận lời mời của GS.TS Phạm Gia Khải, ông cùng các đồng nghiệp Hoa Kỳ lần đầu có mặt ở Hà Nội để huấn luyện bác sĩ Việt Nam những kỹ thuật tiên tiến của tim mạch can thiệp. Lối dạy học kỳ lạ, một thầy hướng dẫn một trò thực hành, nhưng nhờ vậy mà bác sĩ Việt Nam tiếp thu nhanh. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tức thời, để phát triển bền vững, theo GS Thạch Nguyễn, Việt Nam cần những người học hành bài bản. Qua tiến cử của ông, nhiều bác sĩ Việt Nam như TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa, trưởng khoa tim mạch can thiệp bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM… được tu nghiệp dài ngày. BS Nghĩa nhớ lại: “Sau khi tìm cho tôi một học bổng ở Thái Lan, cuối năm 2000, GS Thạch Nguyễn bay từ Hoa Kỳ sang để giới thiệu tôi với trường đại học. Sự tận tụy của ông làm tôi xúc động.Sau này mới biết, bất kỳ ai có chí tiến thủ, ông đều tìm cơ hội giúp đỡ”.

Hơn ba năm nay, trang web của bệnh viện tim Hà Nội vẫn lưu giữ bài viết của PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc bệnh viện, viết về GS Thạch Nguyễn, người mà ông xem như ân nhân đã giúp ông mở cánh cửa tim mạch can thiệp. Là một trong những bác sĩ đầu tiên được học bài bản về lĩnh vực này, TS Tuấn đã viết: “Khi tiếp cận vấn đề, người Mỹ đi thẳng vào sự việc, nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, có khi từ những lối tư duy rất khác biệt, không theo lối mòn, để giải quyết tận gốc và không đánh trống bỏ dùi”.

Cuốn “Sổ tay thực hành tim mạch học can thiệp nâng cao” vừa được dịch sang tiếng Nga và xuất bản ở nước này.

Truyền cảm hứng

Ghi dấu ấn như một trong những người khai sáng tim mạch can thiệp Việt Nam, nhiều năm qua GS Thạch Nguyễn vẫn thường xuyên về nước hỗ trợ, trong đó có việc giúp ĐH Tân Tạo (TTU) phát triển mô hình giáo dục khai phóng.

Câu hỏi đặt ra, nhiều người Việt đã bước ra ngoài làm việc như một công dân toàn cầu, tại sao chưa thấy nhiều ở lĩnh vực y khoa? Một trong những rào cản là chất lượng giáo dục y khoa nước nhà chưa mấy phát triển, nhiều bác sĩ Việt vẫn chưa giỏi tiếng Anh. Tại trường Y của TTU, GS Thạch Nguyễn là cầu nối đưa sinh viên đi thực tập ở Mỹ, biết suy nghĩ độc lập, tìm tòi cái mới… Ông nói với tôi, “giáo dục hiện đại là không áp đặt hay thúc ép người học, mà là gợi mở, động viên và truyền cảm hứng cho họ. Gợi mở và động viên, người thầy giỏi nào cũng có thể làm được, nhưng truyền cảm hứng thì chỉ có ở vài người thầy xuất sắc”.

Đầu năm nay, tại hội nghị ACC thường niên, GS Thạch Nguyễn đưa ra lý thuyết mới về cơ chế gây ra hội chứng mạch vành cấp tính, theo đó hiện tượng tạo bọt khí do chênh lệch áp lực trong mạch máu rồi tự vỡ (cavitation phenomenon) đã phá vỡ màng các sang thương chứa cholesterol rồi gây ra tổn thương mạch vành. Với sự góp sức của các chuyên gia nước ngoài và sinh viên y khoa TTU, lý thuyết này được đăng trên tạp chí khoa học Journal of the American College of Cardiology tháng 3/2018.

Không chỉ khơi gợi cảm hứng nghiên cứu cho sinh viên, GS Thạch Nguyễn còn giúp họ tự tin nâng cao tầm vóc từ những chuyến thực tế tại Hoa Kỳ, hoặc tham gia báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế. Nguyễn Minh Trí Nhân, sinh viên y khoa năm thứ 4 của TTU, một trong những sinh viên được tuyển chọn tham gia chuyến đi thực tập 8 tuần tại Mỹ đầu năm 2018 chia sẻ: “GS Thạch dạy chúng tôi không được tự ti mặc cảm mà hãy vươn lên. Dù giữ nhiều vị trí quan trọng tại các bệnh viện nhưng Thầy vẫn luôn coi trọng người trẻ.Thầy luôn muốn chúng tôi phải làm việc hết mình và chơi hết mình”.

Để tưởng thưởng những đóng góp của GS Thạch Nguyễn cho sự phát triển y khoa Việt Nam, năm 2011, Đại học Y Hà Nội đã trao chức giáo sư danh dự cho ông. Bài diễn văn đáp từ của ông, hiện vẫn còn lưu giữ. Ông viết: “Khi bước ra thế giới, ước nguyện của người Việt là đóng góp các giá trị cao quý về phẩm cách, tri thức Việt Nam dựa trên niềm tin vào sự thật cho sự thanh bình và thịnh vựơng của ngôi làng chung mang tên thế giới đó. Mỗi lần về Hà Nội, tôi cảm thấy ấm lòng khi thấy các sinh viên, bác sĩ Việt Nam làm việc trong tinh thần Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín và Dũng. Với những nguyên tắc đó, tôi thấy người Việt Nam hãnh diện ngẩng cao đầu phục vụ xã hội và tự tin làm việc với bạn bè năm châu”.

” GS Thạch Nguyễn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được bầu vào ban chấp hành hội Tim mạch Hoa Kỳ (FACC) và hội Can thiệp tim mạch học Hoa Kỳ (FSCAI). Ông là phó tổng biên tập tạp chí Journal of Geriatric Cardiology, cố vấn biên tập tạp chí Journal of Interventional Cardiology, giám đốc Tim mạch học trung tâm y khoa Saint Mary tại Hobart (Indiana, Hoa Kỳ), giáo sư danh dự của nhiều trường y khoa uy tín thế giới. Ông có tên trong các cuốn sách về danh nhân Who’s Who in America, Who’s Who in the World, Who’s Who in Science and Engineering, Who’s Who in Health Care and Medicine. Cuốn “Sổ tay thực hành tim mạch học can thiệp nâng cao” (Practical Handbook of Advanced Interventional Cardiology, NXB Wiley-Blackwell – Mỹ) do ông chủ biên, với sự cộng tác của một số chuyên gia nổi tiếng thế giới là sách bán chạy (best-seller) trong các tài liệu y khoa Hoa Kỳ. Sách xuất bản lần đầu vào năm 2000, tái bản 4 lần, chuẩn bị tái bản lần thứ 5.”

Nguồn: