Quy chế tuyển sinh 2016 – Nhiều vấn đề bất hợp lý đã được điều chỉnh

8

Chiều ngày 03/02/2016, Bộ GD-ĐT đã ban hành chủ trương phương hướng tổ chức thi Tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ. Trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2015 và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà giáo và toàn xã hội,… nhiều vấn đề bất hợp lý của kì thi trước đã được điều chỉnh.

1.    Các môn thi và lịch thi

Theo đó, học sinh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 sẽ thi 8 môn, trong 4 ngày (từ ngày 01/7 đến ngày 04/7/2016).

Thông tin ngày thi 

TT

Ngày thi

Môn thi

Thời gian

Hình thức

Ghi chú

1

01/7

Sáng

Toán

180 phút

Tự luận

Chiều

Ngoại ngữ

90 phút

Tự luận &

Trắc nghiệm

2

02/7

Sáng

Ngữ văn

180 phút

Tự luận

Chiều

Vật lý

90 phút

Trắc nghiệm

3

03/7

Sáng

Địa lý

180 phút

Tự luận

Chiều

Hóa học

90 phút

Trắc nghiệm

4

04/7

Sáng

Lịch sử

180 phút

Tự luận

Chiều

Sinh học

90 phút

Trắc nghiệm

 2.    Đăng ký môn thi:

– Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Đăng ký dự thi (ĐKDT) 04 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 03 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

– Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT 04 môn tối thiểu và ĐKDT thêm các môn khác để xét tuyển sinh.

– Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, ĐKDT để xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT các môn để xét tuyển sinh.

3.    Nộp hồ sơ đăng ký dự thi:

– Thí sinh đang học tại cơ sở giáo dục nào thì ĐKDT tại cơ sở giáo dục đó;

– Thí sinh tự do: ĐKDT tại địa điểm do các sở GDĐT quy định sao cho thuận tiện nhất.

4. Tổ chức thi:

Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thành lậpcác cụm thi Đại học và Cụm thi Tốt nghiệp. Trong đó:

– Cụm thi Đại học dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT;

– Cụm thi tốt nghiệp dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH;

Tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.

5. Đề thi

Đề thi về cơ bản như năm 2015 (đề thi được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ).

6. Thông báo kết quả thi

Các sở GDĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi.

Trường ĐH chủ trì cụm thi cấp cho mỗi thí sinh dự thi để tuyển sinh ĐH, CĐ 01 Giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học.

7. Xét công nhận tốt nghiệp THPT

Thực hiện như năm 2015: kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 04 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

8. Tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy

Các trường ĐH, CĐ, nhất là các trường khối năng khiếu, nghệ thuật chủ động xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy; tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh.

Đối với các trường sử dụng kết quả Kì thi THPTQG để xét tuyển:

Về cơ bản giữ ổn định như năm 2015.

Có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển. Cụ thể:

– Thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để ĐKXT trong các đợt xét tuyển;

– Thí sinh ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến (online);

– Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT;

– Các trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GDĐT quy định để xác định và công bố công khai ngưỡng ĐKXT vào ngành/nhóm ngành của trường; tổ chức xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển cho thí sinh;

9. Các đợt xét tuyển:

– Đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo;

– Các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.

Trong quá trình triển khai cần chú trọng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh; tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ về thi và tuyển sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thi và tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế.

Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) thông báo nội dung trên đến các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý để thực hiện./.

Ngọc Hải (tổng hợp)